0989.116.118 - 02466527565
dongysonha68@gmail.com

Phương pháp điều trị sụp mí mắt, lác mắt bằng YHCT

Theo dõi Đông Y Sơn Hà trên
Sụp mí mắt, mắt lác không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ còn gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác và sức khỏe người bệnh. Tìm hiểu ngay các phương pháp điều trị sụp mí mắt, mắt lác bằng Y Học Cổ Truyền hiệu quả - an toàn trong bài viết dưới đây ngay.
Xem nhanh

PHẦN 1: Sơ lược về giải phẫu mắt, các nhóm cơ và dây thần kinh

Mắt là một cơ quan thị lực quan trọng, được cấu tạo vô cùng phức tạp giúp đảm bảo chức năng nhìn nhận biết, quan sát và thu nhận các thông tin về hình ảnh, màu sắc của sự vật đưa vào não bộ để xử lý và lưu trữ.

I. Giải phẫu mắt

1. Cấu tạo bên ngoài

Nhìn bên ngoài, đôi mắt cơ bản có các bộ phận sau: Lông mày, lông mi, mi mắt, tròng trắng, tròng đen…

Cấu tạo bên ngoài

2. Cấu tạo bên trong

Mắt là một cơ quan có cấu tạo hết sức tinh vi trong đó giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc là những bộ phận cơ bản để đảm bảo chức năng nhìn của mắt.
 

cấu tạo mắt bên trong

2.1. Bán phần trước

Phần trước của mắt bao gồm: Giác mạc, mống mắt, đồng tử, lòng trắng:

- Giác mạc là một màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu có  hình chỏm cầu chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Đường kính của giác mạc khoảng 11 mm, bán kính độ cong là 7,7 mm. Chiều dày giác mạc ở trung tâm mỏng hơn ở vùng rìa. Bán kính cong mặt trước giác mạc tạo thành lực hội tụ khoảng 48,8D, chiếm 2/3 tổng công suất khúc xạ của nhân cầu. Về phương diện tổ chức học giác mạc có 5 lớp, từ ngoài vào trong bao gồm: biểu mô, màng Bowmans, nhu mô, màng Descemet, nội mô.

 

 
- Mống mắt – Đồng tử: Mống mắt là vòng sắc tố bao quanh đồng tử, quyết định màu mắt (đen, nâu, xanh..). Đồng tử là lỗ nhỏ màu đen, nằm ở trung tâm của mống mắt. Đồng tử có thể co lại hoặc giãn ra nhờ các cơ nằm trong mống mắt để điều chỉnh lượng ánh sáng vào mắt.

- Thủy tinh thể: Nằm sau mống mắt. Thủy tinh thể trong suốt làm nhiệm vụ như một thấu kính hội tụ cho ánh sáng đi qua, tập trung các tia sáng đúng vào võng mạc để tạo thành hình ảnh rõ nét, giúp ta có thể nhìn xa gần.

2.2. Bán phần sau

- Dịch kính là chất dạng gel trong suốt lấp đầy buồng nhãn cầu ở phía sau thể thuỷ tinh. Khối dịch kính chiếm chừng 2/3 thể tích nhãn cầu.
 

dịch kính dây thần kinh mắt mạch máu võng mạc
Dây thần kinh mắt- mạch máu võng mạc


- Dây thần kinh thị giác là nơi tập hợp các bó sợi thần kinh có chức năng dẫn truyền các tín hiệu nhận được ở võng mạc giúp ta nhận biết ánh sáng, hình ảnh… Mạch máu võng mạc gồm động mạch và tĩnh mạch trung tâm võng mạc cung cấp chất dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng mắt. Một số bệnh nội khoa có liên quan đến rối loạn mạch máu võng mạc như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh đái tháo đường…

Hoàng điểm

- Võng mạc là một màng bên trong đáy mắt có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ thủy tinh thể hội tụ lại. Trung tâm võng mạc là hoàng điểm (điểm vàng), nơi tế bào thị giác nhạy cảm nhất giúp nhận diện nội dung, độ sắc nét của hình ảnh. Thông qua các dây thần kinh thị giác võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích ở não. Võng mạc có nhiều lớp tế bào, đáng chú ý là lớp tế bào que, tế bào nón và lớp tế bào thần kinh cảm thụ. Tế bào que, tế bào nón nhận biết hình ảnh, màu sắc. Lớp tế bào biểu mô sắc tố võng mạc giúp nuôi dưỡng và bảo vệ tế bào que, tế bào nón trước tác động gây hại của tia cực tím và ánh sáng xanh chất chuyển hóa gây hại võng mạc.

cấu tạo võng mạc mắt

II. Các nhóm cơ và dây thần kinh vận nhãn

1. Dây thần kinh số III

Dây thần kinh số 3 điều khiển cơ nâng mí, cơ thẳng trong, cơ thẳng dưới, cơ thẳng trên và cơ chéo dưới. Gồm có hai phần: Vận động có ý thức và các sợi đối giao cảm. Nguyên ủy thật ở nhân chính (vận động có ý thức) và nhân phụ (đối giao cảm), nằm ở trung não ngang mức lồi não trên, các sợi trục của các neuron này thoát ra khỏi não ở mặt trước của trung não, ở bờ trong của cuống đại não, sau đó đi ra trước, nằm ở thành ngoài của xoang tĩnh mạch hang, đi đến khe ổ mắt trên,  qua khe này để vào ổ mắt, ở ổ mắt chia thành hai nhánh tận cùng là nhánh trên và nhánh dưới.

Dây thần kinh số III cho ra các sợi sau:

  • Những sợi vận động: để vận động cho năm cơ vân điều khiển nhãn cầu: cơ thẳng trên, cơ thẳng dưới, cơ thẳng trong, cơ chéo dưới và cơ nâng mi trên.
  • Những sợi đối giao cảm: chạy đến hạch mi, hạch này nằm ở phần sau ổ mắt, và từ hạch mi cho các sợi đi đến vận động cho cơ co đồng tử. Những sợi đối giao cảm tham gia điều chỉnh tiêu cự xa gần. 

Do đó khi tổn thương dây thần kinh số III thường gây nên các triệu chứng:  

  • Sụp mi mắt.
  • Mắt lác ngoài.
  • Hạn chế vận nhãn vào trong, lên trên và xuống dưới.
  • Giãn đồng tử và giảm điều tiết.
dây thần kinh số 3

2. Dây thần kinh ròng rọc (IV)

Dây thần kinh số IV có nguyên uỷ thật là nhân thần kinh ròng rọc, nằm ở trung não, ngang mức lồi não dưới, dây thần kinh có nguyên uỷ hư ở mặt sau trung não, vòng quanh cuống đại não để ra trước, đi vào thành ngoài xoang tĩnh mạch hang, qua khe ổ mắt trên vào ổ mắt và chi phối vận động cho cơ chéo trên của nhãn cầu nên có chức năng đưa nhãn cầu ra ngoài và xuống dưới.

Tổn thương dây thần kinh số IV gây triệu chứng lác, song thị, tư thế vẹo đầu cổ, lòng đen không xoay xuống dưới được.

-    Liệt dây thần kinh IV một bên: Liệt dây IV một bên gây lác lên trên, độ lác tăng khi mắt liệt liếc vào, độ lác giảm khi đầu nghiêng về phía bị liệt. Do đó, nếu mắt phải bị liệt dây thần kinh số 4 thì sẽ bị lác lên trên và độ lác tăng dần khi liếc mắt nhìn sang trái hoặc đầu nghiêng sang phải và ngược lại. Liệt dây thần kinh số 4 cũng gây lác xoáy ra ngoài với độ lệch khoảng 10 độ. Mắt bị liệt có động tác xoay quanh trục thị giác ra ngoài. Trong một số ít trường hợp soi đáy mắt thấy có hiện tượng toàn bộ đáy mắt bị xoắn.

Vì người bị liệt dây thần kinh 4 thường nghiêng đầu để nhìn dễ hơn, thói quen này lâu ngay sẽ gây ra tật lệch vẹo cổ, cột sống. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 4 nào cũng bị tật này.

-    Liệt dây thần kinh IV hai bên: Liệt dây thần kinh số 4 hai bên khó xác định hơn. Nhận biết bằng cách quan sát mắt trái lác lên khi nhìn sang phải, còn mắt phải lác lên khi nhìn sang trái. Hoặc cả hai bên bị lác vào trong và độ lác tăng khi nhìn xuống. Liệt dây thàn kinh số 4 hai bên có thể gây lác xoáy ngoài đến 25 độ.

3. Dây thần kinh vận nhãn ngoài (VI)

Dây thần kinh số VI có nguyên ủy thật là nhân thần kinh vận nhãn ngòai, nằm ở cầu não, nguyên ủy hư ở rãnh hành cầu, từ đây chạy ra trước qua xoang tĩnh mạch hang, vào ổ mắt qua khe ổ mắt trên để vận động cho cơ thẳng ngòai của nhãn cầu nên có chức năng đưa nhãn cầu ra ngoài.

Tổn thương dây số VI gây nên các triệu chứng sau:

  • Song thị ngang, song thị này tăng thêm khi nhìn về phía cơ liệt.
  • Mắt lác trong: Do liệt cơ thẳng ngoài.
  • Hạn chế vận nhãn ra ngoài, mắt cảm thấy lờ đờ, nhãn cầu chuyển động chậm không kịp khi nhìn theo vật chuyển động.
  • Tư thế bù trừ: Mặt ngoảnh sang bên cơ không liệt để tránh song thị.

PHẦN 2: Tổng qua về nhãn khoa YHCT  

Theo quan niệm của YHCT, cơ thể con người là một chỉnh thể thống nhất, một vũ trụ thu nhỏ bao gồm có âm và dương. Trong thiên ứng tượng đại luận có nói “Âm dương là đạo của trời đất, là giường mối của muôn vật, là cha mẹ của sự biến hóa, là gốc ngọn của sự sinh sái, là cái kho chứa mọi sự thần minh”.

Âm dương thể hiện trong toàn bộ quá trình cấu tạo của cơ thể, của sinh lý, bệnh lý trong cơ thể. Một cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật tương ứng với sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Và ngược lại sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể sẽ phát sinh ra các yếu tố bệnh lý khác nhau.

Trị bệnh phải tìm tới gốc (trích thiên ứng tượng đại luận). Do vậy, khi xuất hiện các triệu chứng bệnh cần tìm hiểu sự mất cân bằng âm dương ở tạng phủ nào, ở vị trí nào để từ đó sẽ cho ra phác đồ điều trị với bản chất thực tế là tạo lại cân bằng âm dương, cân bằng khí huyết, làm cho cơ thể cân bằng trở lại thì bệnh sẽ khỏi.

Từ học thuyết âm dương, YHCT có liên hệ cụ thể hơn trong việc quan sát, quy nạp, tính tương quan trong hoạt động sinh lý, bệnh lý của tạng phủ đó chính là học thuyết ngũ hành. Với quan niệm cơ thể con người là một vũ trụ thu nhỏ trong đó có ngũ tạng, lục phủ tương ứng với 5 loại vật chất của thiên nhiên là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ theo bảng dưới đây:

 

STT   Ngũ Hành
Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy
1 Ngũ Tạng Can  Tâm Tỳ Phế  Thận
2 Ngũ Phủ Đởm Tiểu trường Vị Đại Trường Bàng quan
3 Ngũ Thể Cân Mạch Thịt (nhục) Da lông Xương Tủy
4 Ngũ Quan Mắt Lưỡi Miệng Mũi Tai
5 Ngũ Chí Giận Mừng Lo Buồn Sợ
6 Ngũ Chất Gỗ Lửa Đất Kim Loại Nước
7 Ngũ sắc Xanh Đỏ Vàng Trắng Đen
8 Ngũ Vị Chua Đắng Ngọt Cay Mặn
9 Ngũ thời (mùa) Xuân Hạ Cuối hạ Thu Đông
10 Ngũ Phương Đông Nam Trung Ương Tây Bắc
 


Dựa trên yếu tố tương quan của ngũ hành, mắt thuộc ngũ quan của cơ thể, tương ứng với ngũ tạng trong cơ thể. Do đó tính tương quan của mắt với các tạng phủ trong cơ thể được thể hiện: 

* Liên hệ với Can:

  • Thiên ‘Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận’ (Tố Vấn 5) ghi: “ Can chủ ở mắt… Khiếu của Can là mắt.”
  • Thiên ‘Ngũ Tạng Sinh Thành’ (Linh Khu 10) ghi: “Can thụ huyết nhi năng kiến” (Can nhận được huyết thì nhìn thấy).
  • Thiên ‘Mạch Độ’ (Linh Khu 17) ghi: “Can khí thông lên mắt, Can hoà thì mắt có thể phân biệt được ngũ sắc”.
  • Thiên ‘Ngũ Duyệt Ngũ Sứ’ (Linh Khu 37) ghi:“ Mắt là khí quan của Can”.

* Liên hệ với Tâm:

  • Tâm chủ huyết mạch, làm chuyển động huyết dịch trong mạch máu. Thiên ‘Ngũ Tạng Sinh Thành’ (Tố Vấn 10) ghi: “Các mạch đều thuộc về mắt”, 12 kinh mạch, khí huyết đều rót vào mắt.
  • Tâm tàng thần. Thiên ‘Đại Hoặc Luận’ (Linh Khu 80) ghi: “Mắt là sứ của Tâm” (ý nói, người ta thấy sự vật do sự phối hợp với tâm thần.

* Liên hệ với Tỳ:

Tỳ là gốc của hậu thiên, chủ vận hoá thuỷ cốc tinh vi. Trong sách ‘Lan Thất Bí Tàng’, Lý Đông Viên viết: “Tinh khí của ngũ tạng, lục phủ, tiếp thu từ Tỳ, lên trên rót vào mắt”. Tỳ hư yếu làm cho tinh khí của tạng phủ bất túc, không chuyển lên để rót vào mắt, vì thế mắt mất sự nhu dưỡng nên nhìn không rõ, vì vậy, mắt và tạng Tỳ có quan hệ mật thiết với nhau.

* Liên hệ với Phế:

Phế chủ khí, hô hấp. Do sự vận hoá của Tỳ Vị mà tinh khí thuỷ cốc và sự hô hấp của Phế kết hợp với nhau, khiến cho Tâm chuyển động, huyết được đưa đi khắp cơ thể, làm ấm và nuôi dưỡng tạng phủ, mắt nhờ đó mà nhìn thấy bình thường. Nếu Phế khí bất túc có thể làm cho mắt bị mờ. Thiên ‘Quyết Khí’ (Linh Khu 30) ghi: “Khí thoát thì mắt nhìn không rõ”.

* Liên hệ với Thận:

Thận tàng tinh, nhận tinh khí của tạng phủ. Tinh giúp cho cơ thể hoạt động thiên ‘Đại Hoặc Luận’ (Linh Khu 80) ghi: “Mắt là tinh của tạng phủ. Nếu Thận tinh bất túc thì hai mắt sẽ thiếu thần, nhìn không rõ”. Vì vậy, mắt và Thận có sự liên hệ với nhau.

Ngoài ra mắt cũng liên hệ với ngũ tạng lục phủ.

+ Thiên ‘Đại Hoặc Luận’ (LKhu 80) ghi:”Tinh khí của 5 Tạng, 6 Phủ đều thông lên kết tụ ở mắt” và chia ra như sau:

  • (Tinh của cốt ( Thận) kết thành đồng tử (Thủy luân).
  • (Tinh của cân ( Can) kết thành tròng đen (Phong luân).
  • (Tinh của huyết (Tâm) kết thành những tia máu (Huyết luân).
  • (Tinh của khí (Phế) kết thành tròng trắng (Khí luân).
  • (Tinh của cơ nhục (Tỳ) kết thành mi mắt (Nhục luân).

+ Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ (Linh Khu 4) ghi:” Huyết khí ở 12 kinh mạch và 365 đường lạc đều đi lên mặt mà chạy, vào những chỗ hở, thứ dương khí tinh hoa đó chạy vào mắt mà thành con ngươi”.

Như vậy giữa mắt và các tạng phủ, kinh lạc khí huyết cân mạch, xương thịt đều có liên quan với nhau, do đó sự thịnh suy và bệnh biến của tạng phủ khí huyết đều ảnh hưởng đến công năng của mắt.

Ngũ luân là biểu tượng hình, thể của mắt, xét theo góc độ bề ngoài, nhưng khí lực (sự khí hóa) của mắt từ trong thông ra thì không thể thấy được, và người xưa đã nghiên cứu tìm thấy 8 góc gọi là Bát Quách dựa theo sự vận hành của kinh lạc ứng với bộ vị Bát Quách (theo sách ‘Ngân Hải Tinh Vi’) như sau:

  • Càn ở phương Tây Bắc, thông với Phế và Đại trường, trên thì vận hóa khí thanh đi lên, dưới thì đẩy (truyền tống) chất cặn bã ra ngoài vì vậy gọi là Truyền Đạo Quách.
  • Khảm ở chính Bắc, thông với Thận và Bàng Quang. Thận là nơi tàng chứa và sinh ra tinh, do đó được gọi là Tinh Dịch Quách.
  • Cấn ở Đông bắc, thông với Mệnh môn và Thượng Tiêu là nơi hội tụ các phần ẩm lưu chuyển ra trăm mạch vì vậy gọi là Hội Âm Quách.
  • Chấn ở chính Đông, thông với Can – Đởm, chuyên vận chuyển các thứ thanh khiết nên gọi là Thanh Tịnh Quách.
  • Tốn ở Đông Nam, thông với Trung tiêu và lạc của Can, mà lạc của Can lại có chức năng thông huyết, dưỡng Trung tiêu và phân khí huyết để hóa sinh do đó gọi là Dưỡng Hóa Quách.
  • Ly ở chính Nam, thông với Tâm và Tiểu trường là nơi các phần dương hấp thụ khí vì vậy gọi là Bảo Dương Quách.
  • Khôn ở Tây Nam, thông với Tỳ Vị, chủ việc thu nạp thủy cốc để nuôi cơ thể, do đó gọi là Thủy Cốc Quách.
  • Đoài ở chính Tây, thông với Hạ tiêu và lạc của Thận, chủ về Âm tinh, là nguồn suối của cơ quan sinh hóa, vì vậy gọi là Quan Truyền Quách.

Việc chẩn bệnh ở mắt theo YHCT giữa Luân và Quách có sự khác biệt:

  • Luân chỉ xem màu sắc (đỏ, xanh, tía…).
  • Quách thì phân định kinh lạc ở trên Luân to hay nhỏ, cong, thẳng, đường mạch từ đâu xâm nhâïp vào não bộ …

Mắt cũng là 1 vùng phản chiếu của cơ thể, do đó qua mắt có thể biết được phần nào trạng thái rối loạn của cơ quan tạng phủ tương ứng.

Theo các công trình nghiên cứu của Trung Quốc, mắt có liên hệ với ngũ tạng như sau:

 

Ngũ Tạng Cơ quan tương ứng
Can Tròng đen
Tâm Thịt 2 bên  khóe mắt
Tỳ Mi mắt
Phế Tròng trắng
Thận Con ngươi


Dựa trên các học thuyết âm dương, ngũ hành, ngũ luân, bát khuyếch như đã trình bày ở trên cho ta thấy sự liên quan giữa mắt với các tạng phủ trong cơ thể. Do đó khi gặp các tình trạng bệnh lý của mắt, để điều trị được dứt điểm thì ngoài việc kiểm tra các tổn thương thực thể tại mắt còn cần kiểm tra theo góc nhìn của YHCT để tìm nguyên nhân tổn thương các tạng phủ liên quan, từ đó đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. 

PHẦN 3: Bệnh lý sụp mí mắt và phương pháp điều trị bằng YHCT

Sụp mi là hiện tượng mi mắt sụp xuống bất thường. Có thể xảy ra ở một hoặc 2 bên. Bình thường, mi trên che phủ 1–2 mm phần trên mống mắt, và mi dưới chạm tới bờ dưới mống mắt. Tình trạng sụp mí mắt trên sẽ làm mí mắt trên bị chùng xuống che khuất một phần hoặc hoàn toàn đồng tử khiến cho tầm nhìn bị hạn chế. 

Sụp mí mắt có thể gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước khi tìm  hiểu về phương pháp điều trị trong y học cổ truyền, bạn phải xác định được nguồn cơn, nguyên nhân gây bệnh.

1. Sụp mí mắt bẩm sinh

Sụp mí mắt bẩm sinh là bệnh lý nhãn khoa xuất hiện ngay từ khi trẻ mới được sinh ra. Mặc dù bệnh lý này không quá nguy hiểm nhưng lại khó chữa để trẻ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
 

1.1 Các dạng sụp mí bẩm sinh thường gặp

Sụp mi bẩm sinh chiếm khoảng 50-70% các trường hợp sụp mi. Sụp mí bẩm sinh bao gồm:

  • Sụp mí bẩm sinh đơn thuần: có thể ở một bên mắt hoặc cả hai bên, thường tăng bù cơ trán
  • Sụp mí bẩm sinh phối hợp. Phối hợp với thiểu năng cơ thẳng trên: lác dưới cùng bên với sụp mi và gây nhược thị.
  • Liệt dây thần kinh III bẩm sinh :  lác dưới ngoài cùng với sụp mi.
  • Hội chứng Marcuss-Gun: sụp mí một bên, liệt cơ thẳng trên, dấu hiệu đồng rộng xương hàm – mi mắt (nháy mi trong khi nhai), 
  • Sụp mí phối hợp với dị dạng mặt:  Hội chứng hẹp khe mi: Sụp mi hai bên và ngắn mi trên, nếp quạt đảo ngược, hai góc mắt xa nhau… 

1.2 Nguyên nhân sụp mí mắt bẩm sinh

Cho đến nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân gây nên sụp mí bẩm sinh. Tuy nhiên, có 1 đặc điểm chung khi nghiên cứu sụp mí bẩm sinh là soi dưới kính hiển vi điện tử cho ta thấy các sợi cơ nâng mí trên được thay thế bằng tổ chức sợi, tổ chức mỡ hoặc thoái hóa cơ nâng mí trên.

1.3 Phương pháp điều trị sụp mí mắt bẩm sinh bằng YHCT

- Pháp điều trị: Kiện tỳ, ích khí, bổ thận, thông kinh lạc

2. Sụp mí mắt thoái triển

Sụp mí mắt thoái triển thường gặp ở người già, chức năng cơ nâng mí bình thường. Do cân cơ nâng mí đến bám ở mặt trước sụn bị đứt, nứt, giãn hoặc yếu gây nên sụp mí. Trạng thái này còn gọi là sụp mí mắt do cân cơ. Quan sát thường thấy nếp mí thường cao hơn mí bình thường, khi nhìn xuống mí mắt thường không giữ được mà rơi nhanh xuống. Có thể bị một mắt hoặc cả hai mắt. 

Pháp điều trị: Bổ can thận, kiện tỳ, hành khí hoạt huyết.

 

điều trị sụp mí mắt tại đông y sơn hà

3. Sụp mí do bệnh lý hốc mắt và bệnh lý toàn thân:

a) Sụp mí do chấn thương

Các chấn thương vùng mặt, vùng hốc mắt gây tổn thương cơ nâng mí hoặc các chấn thương sọ não làm tổn thương dây thần kinh số III hoặc gây liệt dây thần kinh số III làm mí mắt bị sụp. Thông thường các trường hợp sụp mí này rất nặng, đa số là sụp mí hoàn toàn (mắt không thể mở lên được), khi vạch mắt lên nhãn cầu thường lệch ra ngoài, không cử động được nhãn cầu. 

Với các trường hợp sụp mí do chấn thương, Tây y sẽ phẫu thuật treo cơ nâng mí và mổ lác. Tuy nhiên hiệu quả điều trị bệnh lý này còn nhiều hạn chế vì bản chất cơ và dây thần kinh vận nhãn vẫn bị liệt. Do chấn thương làm tổn thương phức hợp cơ thần kinh, tính dẫn truyền cơ thần kinh bị ảnh hưởng nên khi treo cơ nâng mí bệnh nhân sẽ không tự điều chỉnh để nhắm mắt tự nhiên. Việc điều chỉnh cơ vận nhãn trong mổ lác của các trường hợp này cũng gặp phải yếu tố hạn chế do điều chỉnh được trục nhãn cầu về chính giữa nhưng bệnh nhân không thể cử động được nhãn cầu (động tác liếc) do phức hợp cơ thần kinh bị tổn thương.

- Điều trị sụp mí mắt do chấn thương theo YHCT

- Pháp điều trị: Hoạt huyết khứ ứ, thông kinh hoạt lạc.
 

BN sụp mí do chấn thương trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà
BN sụp mí do chấn thương trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà

b) Điều trị sụp mí do phình động mạch não bằng YHCT

Phình động mạch não là tình trạng dị dạng mạch máu não rất hay gặp. Đa số bệnh nhân bị phình động mạch não không có dấu hiệu lâm sàng. Đến khi xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, sụp mí… thì túi phình đã lớn gây chèn ép. Nếu không xử lý kịp thời túi phình có thể bị vỡ gây chảy máu trong não. 

Để xử lý tình trạng này thì ngay khi thấy các triệu chứng lâm sàng thể hiện (đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, sụp mí mắt…) thì cần phải đi khám, chụp CT hoặc MRI não để tìm nguyên nhân. Với các trường hợp túi phình to gây chèn ép nhiều thì cần lựa chọn giải pháp phẫu thuật để xử lý túi phình trước sau đó mới điều trị sụp mí mắt tình trạng hậu phẫu được hồi phục.

- Pháp điều trị sụp mí do phình động mạch não

+ Phương dược: Hoạt huyết khứ ứ, bổ khí, thông kinh hoạt lạc ( với các trường hợp phình mạch máu não đã phẫu thuật).
 

BN sụp mí do phình đại MMN trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà

BN sụp mí do phình đại MMN trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà

c) Sụp mí mắt do biến chứng tiểu đường

Tiểu đường tuýp 2 phát triển do hậu quả của việc sản xuất insulin của tuyến tụy suy yếu gây biến chứng cho nhiều bộ phận, cơ quan trong cơ thể. Mắt là một bộ phận hay bị các yếu tố bệnh lý của biến chứng tiểu đường. Rối loạn tình trạng mắt, giảm thị lực, tổn thương cơ, mạch máu tại vùng mắt do lượng đường trong máu tăng thường hay xảy ra với các bệnh nhân bị tiểu đường. Tình trạng sụp mí mắt cũng thường xảy ra khi bệnh nhân kiểm soát đường huyết không tốt.

Đứng trước tình trạng sụp mí mắt do biến chứng tiểu đường vấn đề đầu tiên cần giải quyết đó là việc kiểm soát đường huyết, đưa các chỉ số đường huyết về trong giới hạn bình thường bằng thuốc tây y. Một số thuốc thường được sử dụng như Diamicron, glucophage, Gliclazide..(cần lưu ý khi kê đơn thuốc tiểu đường phải theo dõi toàn trạng bệnh nhân và các XN về chỉ số đường máu, đường niệu)
Bên cạnh việc kiểm soát đường huyết thì cần phối kết hợp với việc điều trị sụp mí mắt bằng YHCT.

- Phương điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt, ích khí dưỡng huyết
 

BN sụp mí do BCTĐ trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà
BN sụp mí do BCTĐ trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà

d) Sụp mí mắt do tác dụng phụ của thuốc

Tỷ lệ sụp mí do tác dụng phụ của thuốc thường ít gặp hơn sụp mí do các nguyên nhân khác. Sụp mí thường gặp với các bệnh nhân dùng thuốc điều trị dài ngày các bệnh lý liên quan đến yếu tố tâm thần kinh, trầm cảm, các trường hợp dùng thuốc an thần, corticoid dài ngày. Nguyên nhân thường do việc dùng thuốc liên tục trong thời gian dài làm rối loạn quá trình dẫn truyền thần kinh cơ làm cho cơ nâng mí yếu, mất đặc tính co của cơ.

- Pháp điều trị: Kiện tỳ ích khí, thăng đề.

 

BN sụp mí do tác dụng phụ của thuốc trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà
BN sụp mí do tác dụng phụ của thuốc trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà

e) Sụp mí do tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não gây tổn thương dây thần kinh số III làm sụp mí mắt. Các trường hợp này thường có các tổn thương thần kinh khác kèm theo. Tổn thương dây thần kinh số III sau TBMMN thường kèm theo lác, song thị, liệt vận nhãn. Do vậy, để điều trị các trường hợp này phải phục hồi thần kinh, thường kết hợp giữa uống thuốc bên trong với châm cứu kích thích xung thần kinh từ bên ngoài.

- Pháp điều trị: hành khí lý khí, bổ can thận
 

BN sụp mí do TBMMN trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà
BN sụp mí do TBMMN trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà

f)  Sụp mí mắt không rõ nguyện nhân (sụp mí vô căn)

Nhiều trường hợp sụp mí mắt, không có triệu chứng cảnh báo, kiểm tra cận lâm sàng không phát hiện được nguyên nhân thì bệnh lý được quy về nhóm sụp mí vô căn. Với YHCT, trên lâm sàng đa số gặp các trường hợp này với các yếu tố liên quan nhiều đến trúng phong, cụ thể là phong hàn (chiếm hơn 90% trong số những trường hợp sụp mí không rõ nguyên nhân).

- Phác điều trị: Khu phong tán hàn, hành khí, hoạt huyết.

BN sụp mí không rõ nguyên nhân trước và sau điều trị tại Đông Sơn Hà
BN sụp mí không rõ nguyên nhân trước và sau điều trị tại Đông Sơn Hà
 

Xem thêm: Sụp mí mắt nguy hiểm như thế nào? Cảnh báo 5 bệnh lý nguy hiểm

PHẦN 4: Bệnh lý lác mắt và phương pháp điều trị bằng YHCT  

Lác mắt là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo các hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước, trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự chuyển hướng nhìn của mắt có thể cố định, hoặc tạm thời. Mắt nhìn thẳng (và mắt nhìn lệch) có thể hoán đổi hoặc luân phiên nhau.

1. Nguyên nhân – biểu hiện

Có 6 nhóm cơ của mắt giúp điều chỉnh hoạt động nhãn cầu, được gắn vào bên ngoài của mắt. Cơ thẳng trong giúp nhãn cầu di chuyển vào  hướng trong mũi, cơ thẳng ngoài giúp nhãn cầu di chuyển về hướng tai. Bốn cơ còn lại gồm: Thẳng trên, thẳng dưới, chéo trên, chéo dưới gúp nhãn cầu di chuyển lên hoặc xuống và xoay nhãn cầu.

Để chuẩn bị và tập trung cả hai mắt vào một điểm, tất cả các cơ ở mỗi mắt phải được cân bằng và hoạt động đồng thời. Để hai mắt di chuyển đồng thời, các cơ ở cả 2 mắt phải hoạt động phối hợp với nhau. Não sẽ kiểm soát hoạt động của các cơ này.

Ở mắt bình thường, cả hai mắt cùng nhìn vào cùng một điểm. Sau đó não sẽ tổng hợp hình ảnh thu được ở hai mắt thành một ảnh duy nhất, là ảnh ba chiều.

Khi một mắt bị nhìn lệch, hai hình ảnh khác nhau ở hai mắt được chuyển đến não bộ. Với người lớn khi bị lác thường sẽ bị song thị - nhìn đôi (nhìn thành hai hình) do não bộ của họ đã biết cách nhận hình ảnh từ cả hai mắt và không thể loại bỏ hình ảnh từ mắt bị lệch.

Với trẻ nhỏ, não bộ học cách loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch, và chỉ thấy hình ảnh ở mắt nhìn thẳng, hoặc mắt nhìn rõ hơn. Do đó, trẻ em lác ít bị song thị hơn người trưởng thành. Sau đó trẻ dễ mất dần thị giác tinh tế của bên lác dẫn đến nhược thị. 

Việc phân biệt lác bẩm sinh, lác mắc phải, lác cơ năng, lác liệt là một việc rất cần thiết để có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.

2. Phân loại mắt lác

Dựa vào nguyên nhân, thời điểm mắc bệnh và khả năng hoạt động của dây thần kinh để phân loại thành: Lác mắt bẩm sinh, lác mắc phải, lác cơ năng và lác liệt. 
 

  • Lác bẩm sinh là lác bị ngay từ khi mới sinh ra hoặc trong vòng 6 tháng sau sinh.
  • Lác mắc phải là lác xuất hiện trong quá trình phát triển sau này, thường do các nguyên nhân về điều tiết, chấn thương, u, biến chứng sau mổ...lác mắc phải thường hay đi kèm với các bệnh lý khác tại mắt hoặc bệnh lý toàn thân.
  • Lác cơ năng còn được gọi là lác đồng hành (khi liếc mắt thì mắt lác luôn di chuyển cùng hướng với mắt lành, do vậy góc lác không thay đổi ở các hướng nhìn khác nhau), thường xuất hiện ở trẻ em, hay kèm theo rối loạn thị giác hai mắt.
  • Lác liệt được gọi là lác bất đồng hành (khi liếc thì mắt lác không luôn di chuyển đồng hành cùng mắt lành, do vậy góc lác có thể thay đổi ở các hướng nhìn khác nhau), hay gặp ở người trưởng thành, nguyên nhân do liệt thần kinh chi phối một hay nhiều cơ vận nhãn.

3. Phương pháp điều trị

3.1. Điều trị theo tây y

- Chỉnh kính là một khâu rất quan trọng trong điều trị lác. Ngoài giải quyết yếu tố điều tiết thì đeo kính còn giúp cho việc nhìn hình ảnh rõ nét và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp của thị giác hai mắt.

- Điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc thường được áp dụng trong điều trị mắt lác bao gồm:

Thuốc co đồng tử: người bệnh bị lác điều tiết mà không chịu đeo kính thì có thể dùng các thuốc có tác dụng co đồng tử mạnh nhằm gây co quắp điều tiết để giảm nhu cầu điều tiết khi nhìn gần và giảm mức độ qui tụ do điều tiết. Các thuốc thường dùng là Phospholine, Ecothiopat iodua 0,125% ngày tra 1 lần hoặc Pilocarpin 4% tra 4 lần/ngày trong 6 tuần. Phospholine ức chế Cholinesterasa làm Acetylcholin hoạt động mạnh hơn và có tác dụng như phó giao cảm gây co cơ mống mắt, cơ thể mi và giảm tỉ số AC/A (chỉ định cho người bệnh có AC/A cao). Tuy vậy, hiện nay thuốc co đồng tử không còn được dùng thông dụng như trước đây vì điều trị lâu ngày có thể sẽ gây ra tác dụng phụ do thuốc như tạo nang ở bờ đồng tử, đục thể thuỷ tinh.

Độc tố botulinum: thuốc có tác dụng ức chế giải phóng acetylcholin gây liệt cơ tạm thời. Tiêm thuốc vào cơ đối vận dưới sự hướng dẫn của điện cơ nhằm tái lập lại sự cân bằng 2 mắt. Hiện nay nhiều thầy thuốc đã sử dụng thuốc này để điều trị lác liệt, rối loạn co quắp mi tuy nhiên cần phải cân nhắc khi điều trị do phải tiêm nhắc lại sau 4-6 tháng và liều lượng tiêm ngày càng tăng dần gây nên các biến chứng tại vùng tiêm.

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bao gồm:

- Các phẫu thuật làm yếu cơ như: Cắt buông cơ, phẫu thuật cắt bờ cơ hình zic zắc hay cắt một phần bờ cơ (hình tam giác), phẫu thuật Faden (còn được gọi là phẫu thuật sợi chỉ Cupper).

- Các phẫu thuật làm tăng cơ: 

  • Cắt rút ngắn cơ, cắt bớt 1 đoạn đầu gân cơ và khâu trở lại chỗ bám cũ, thường dùng cho các cơ thẳng.
  • Gấp cơ: khâu gấp chồng 1 đoạn cơ hoặc gân cơ nhằm tăng cường sức mạnh của cơ, hay được áp dụng cho cơ chéo trên và có khi cho cả cơ thẳng.
  • Tiến cơ ra trước: khâu cơ vào củng mạc tiến ra trước đường bám, hay dùng để tăng cường tác dụng của cơ trực trước đó đã được lùi.

Ngoài ra còn được áp dụng cho cả cơ chéo dưới.

  • Phẫu thuật chỉnh chỉ
  • Phẫu thuật chuyển chỗ bám và di thực cơ

3.2. Điều trị mắt lác bằng YHCT

Theo quan niệm của đông y, cơ thể con người là một vũ trụ thu nhỏ. Trong vũ trụ thu nhỏ ấy có âm và dương, tức là có khí và huyết. Khí thuộc dương, huyết thuộc âm. Khí hành thì huyết hành tương ứng với việc để nuôi dưỡng được cơ thể, để các tạng phủ, kinh lạc được hoạt động thì phải có khí và huyết.

Khí đẩy huyết đi nuôi dưỡng lục phủ, ngũ tạng tương ứng với quan niệm tim co bóp đẩy máu đi nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể (hệ tuần hoàn của YHHĐ). Chính vì điều đó nên việc cân bằng âm dương, cân bằng khí huyết là vấn đề cốt lõi trong điều trị của YHCT. Sự mất cân bằng âm dương sẽ dẫn đến việc mất cân bằng khí huyết, mất cân bằng tạng phủ từ đó sẽ phát sinh bệnh tật. 

Như đã trình bày ở trên, cái vũ trụ thu nhỏ của con người cũng giống như vạn vật trong vũ trụ, cũng có tương sinh và tương khắc (học thuyết ngũ hành). Do vậy ngũ tạng cũng tương sinh, tương khắc với nhau, giữ môi trường bên trong cân bằng và ổn định.

Thuyết ngũ hành đã mô tả một cách đầy đủ tính biến động và sự phối hợp của ngũ tạng để giữ cơ thể ở trạng thái cân bằng, khỏe mạnh, không bệnh tật. Các nguyên lý tương thừa, tương vũ trong ngũ hành đã giúp chúng ta lý giải được căn nguyên của bệnh, và cho chúng ta đưa ra chẩn đoán, pháp điều trị bệnh. 

Dựa trên tất cả các yếu tố đó cho ta thấy dấu hiệu bệnh lý của mắt ngoài thể hiện bệnh lý tại mắt còn thể hiện bệnh lý của các tạng phủ trong cơ thể. Lác mắt ngoài vấn đề lệch trục nhãn cầu còn là sự mất cân bằng các tạng phủ liên quan đến học thuyết âm dương ngũ hành, ngũ luân , bát khuyếch..

Do vậy việc điều trị lác bằng YHCT nhằm mục đích tạo lại sự cân bằng các nhóm cơ vận nhãn bản chất là tạo lại sự cân bằng âm dương khí huyết, cân bằng các tạng phủ trong cơ thể. Đó là điều trị về gốc bệnh để bệnh nhân không bị lác lại sau này.

Phương điều trị: bổ khí huyết, bổ can thận, thông kinh hoạt lạc
 

BN mắt lác trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà
BN mắt lác trước và sau điều trị tại Đông y Sơn Hà
 

PHẦN 5: Ưu nhược điểm của phương pháp điều trị sụp mí, mắt lác bằng YHCT và YHHĐ

Y Học Cổ Truyền và Y Học Hiện Đại đều có những ưu - nhược điểm riêng mà bạn có thể cân nhắc trước khi lựa chọn. Hãy cùng Đông Y Sơn Hà tìm hiểu chi tiết về ưu - nhược điểm cảu hai phương pháp này gay dưới đây.
 

1. Ưu, nhược điểm của phương pháp điều trị sụp mí, lác bằng YHHĐ

Điều trị sụp mí mắt bằng YHHĐ chủ yếu hiện nay là phương pháp phẫu thuật cắt mí, nhấn mí hoặc treo cơ trán. Điều trị lác mắt bằng YHHĐ chủ yếu hiện nay là các phương pháp như đã trình bày ở phần 4. Hầu hết đa số các bệnh nhân lác khi điều chỉnh bằng kính không thành công đều lựa chọn phương pháp phẫu thuật. 

Ưu điểm của phương pháp điều trị sụp mí, lác bằng phẫu thuật: Thời gian điều trị nhanh, hiệu quả thấy ngay sau phẫu thuật.

Nhược điểm: 

  • Sụp mí, lác tái phát sau phẫu thuật do chỉ định phương pháp phẫu thuật không hợp lý; không xác định chính xác mức độ sụp mí, mức độ lác; tính yếu của cơ nên không giữ được cân bằng nhóm cơ sau phẫu thuật
  • Phẫu thuật chỉ điều chỉnh được vẫn đề thẩm mỹ chứ không giúp phục hồi cử động vận nhãn trong trường hợp liệt cơ nâng mí, liệt vận nhãn.

Một số biến chứng xảy ra sau quá trình phẫu thuật lác, sụp mí như: 

  • Mi trên bị lộn ra ngoài do cắt quá mức da mi hoặc cơ nâng mi.
  • Co mi trên do điều chỉnh quá mức, sụp và lác nhiều  hơn, song thị, hình thái bất thường của nếp mi so với bên mắt lành, thị lực suy giảm
  • Bờ mi trên không cân đối: do các mũi khâu cố định vào sụn mi không chính xác.
  • Thừa kết mạc trong trường hợp sụp mi mức độ nặng mà không can thiệp vào kết mạc.
  • Toác vết mổ có thể xảy ra sau khi một tụ máu hoặc ở những người mắc bệnh mạn tính (hút thuốc lá, tiểu đường, bệnh hệ thống).
  • Sẹo thường thuận lợi sau đường rạch mí mắt, nhưng những vết sẹo nhìn thấy được có thể xảy ra hình thành sẹo lồi sau phẫu thuật mí mắt đã được báo cáo.
  • Nguy cơ mất lông mi, sa kết mạc, nhiễm trùng, thủng nhãn cầu …

Do đó, nếu lựa chọn giải pháp phẫu thuật cần lưu ý lựa chọn nơi phẫu thuật uy tín, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao.

2. Ưu nhược điểm điều trị sụp mí mắt, lác bằng YHCT

Điều trị sụp mí, lác mắt bằng YHCT là dùng thuốc đông y để phục hồi, tạo sự cân bằng các tạng phủ từ bên trong kết hợp châm cứu nhằm thông kinh hoạt lạc để tăng hiệu quả điều trị. 

Ưu điểm của phương pháp YHCT:

  • An toàn, lành tính hiệu quả trong điều trị cao, tỷ lệ bị tái phát lại rất thấp do phương điều trị là điều chỉnh tổng thể toàn trạng.
  • Phục hồi từ bên trong nên phục hồi được các tổn thương thâ
  • Do việc điều chỉnh thuốc bản chất là tạo lại cân bằng âm dương khí huyết của cơ thể nên khi điều trị các bệnh lý sụp mí, lác mắt thì toàn trạng về sức khỏe cũng được cải thiện, thị lực được cải thiện.

Nhược điểm: Trong một số trường hợp, thời gian điều trị lâu đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân.

3. Sự kết hợp giữa YHHĐ và YHCT trong điều trị sụp mí mắt, lác mắt

Dựa trên những quan điểm đã trình bày ở trên cho chúng ta nhận thấy với mỗi phương pháp điều trị bệnh lý sụp mí mắt, lác mắt bằng YHHĐ và YHCT đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Do vậy, với bệnh lý sụp mí mắt, lác mắt nên có góc nhìn khách quan để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

3.1. Hỗ trợ của YHHĐ trong việc chẩn đoán bệnh sụp mí, lác mắt

Đối với những trường hợp sụp mí, lác mắt đột ngột hoặc kèm theo các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, biểu hiện bất thường, chấn thương hoặc nghi ngờ các bệnh lý liên quan thì cần đến các cơ sở y tế thăm khám, làm các kết quả khám lâm sàng như chụp chiếu, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Chỉ có các kết quả cận lâm sáng mới xác định được não có bị tổn thương hay không, não có khối u hay phình đại vận mạch, khối u hoặc các bệnh lý liên quan gây chứng lác, sụp mí.

Hỗ trợ của YHHĐ trong việc chẩn đoán bệnh sụp mí, lác mắt là rất cần thiết để YHCT có góc nhìn thấu đáo, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

3.2. Trường hợp nào nên điều trị theo YCHĐ, YHCT?

Với các bệnh lý sụp mí mắt do nhược cơ nên kiểm tra kỹ tuyến ức và phẫu thuật tuyến ức nếu cần. Không nên điều trị bằng YHCT khi có u tuyến ức.

Với các bệnh lý sụp mí mắt bẩm sinh không nên phẫu thuật nếu cơ nâng mí yếu hoặc số lượng sợi cơ nâng mí ít, nên sử dụng phương pháp điều trị bằng YHCT.

Với trường hợp sụp mí do chấn thương nên tùy theo từng mức độ chấn thương, vị trí chấn thương và toàn trạng bệnh nhân để ra phác đồ điều trị. Trong các trường hợp chấn thương gây vỡ xương, di lệch xương vùng mặt, vùng hốc mắt thì sau khi ổn định toàn trạng cho phác đồ điều trị bằng thuốc YHCT, lưu ý chỉ châm cứu trong trường hợp xương vùng mặt, vùng hốc mắt đã can.

Với trường hợp sụp mí do TBMMN cho phác đồ điều trị bằng thuốc YHCT kết hợp châm cứu kích thích hệ kinh lạc nhưng lưu ý luôn kiểm soát huyết áp, có thể kết hợp dùng thuốc hạ áp bằng Tây y khi điều trị phục hồi thần kinh bằng YHCT.

Với trường hợp điều trị lác cần lưu ý phối kết hợp phương pháp tập cơ vận nhãn, che mắt lành dùng mắt lác để hoạt động với mục đích kích thích cơ vận nhãn và thần kinh vận nhãn, thần kinh thị giác hoạt động. Thời gian tập phải theo sự hướng dẫn của bác sỹ. 

KẾT LUẬN:

Các thần kinh vận nhãn (dây III, IV, VI) thuộc 12 đôi dây thần kinh sọ não điều khiển hoạt động của nhãn cầu, cơ nâng mí nên tổn thương thần kinh vận nhãn gây sụp mí, lác, liệt vận nhãn cần có sự phục hồi thần kinh từ bên trong, cho thuốc điều phối vào nhóm dây thần kinh để phục hồi tổn thương phức hợp thần kinh cơ, kích thích sự hoạt động trở lại của phức hợp vận động thì mới có hiệu quả trong điều trị.

Khi phát hiện bệnh, bệnh nhân cần đến cơ sở ý tế, thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để xác định nguyên nhân, phương pháp điều trị phù hợp.

Thực tế cho thấy phương pháp điều trị sụp mí, lác mắt bằng YHCT có nhiều tính năng ưu việt hơn so với phương pháp YHHĐ đó là: An toàn, hiệu quả và điều trị gốc bệnh.

Kết hợp của YHCT và YHHĐ trong diều trị sụp mí, mắt lác một cách linh hoạt sẽ giúp bệnh nhân nhanh khỏi. Vì vậy khi bị bệnh lý sụp mí mắt, lác mắt cần có sự tư vấn, khám và các xét nghiệm cận lâm sàng rồi mới lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp thì mới có hiệu quả, an toàn, giảm thiểu những biến chứng.  

Trên đây là những chia sẻ của các bác sĩ tại Đông Y Sơn Hà, hy vong bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về phương pháp điều tị sụp mí mắt, mắt lác an toàn - hiệu quả bằng Y học cổ truyền. Liên hệ ngay với Đông Y Sơn Hà nếu có bất cứ vấn đề nào về bệnh lý. Đội ngũ y bác sĩ tại Đông Y Sơn Hà luôn sẵn sàng phục vụ mỗi bệnh nhân, vì sức khỏe của người Việt.

Thông tin tác giả

Phạm Thị Thu Hà

Bác sĩ chuyên khoa Y học Cổ truyền
Telephone: 0963.322.389
Email: dongysonha68@gmail.com
Social Link: https://www.facebook.com/DongySonHa
Lĩnh vực/ Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Y học Cổ truyền

Chuyên điều trị các bệnh về mắt như: Sụp mí, mắt lác, song thị, mắt lồi, viêm màng bồ đào...

 
Xem thêm về tác giả >>

GỬI CÂU HỎI CHO BÁC SỸ

Tên của bạn (*):
Số điện thoại (*):
Nội dung câu hỏi (*)
(*) Cam kết bảo mật thông tin cá nhân

Phản hồi khách hàng

Tags

Dịch vụ nổi bật

Xem thêm >>